Nhiệm kỳ tổng thống (1969–74) Richard_Nixon

Nixon tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 37 vào ngày 20 tháng 1 năm 1969, cùng tân Đệ nhất phu nhân, Pat, cầm kinh Thánh gia đình.

Nixon được tấn phong tổng thống vào ngày 20 tháng 1 năm 1969, tuyên thệ nhậm chức trước kình địch chính trị một thời là Chánh án Earl Warren. Pat Nixon cầm Kinh Thánh gia đình mở đến Isaiah 2:4, đọc, "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái." Diễn văn nhậm chức của ông hầu như đều được phê bình tích cực, ông nhận xét rằng "xưng hiệu người hòa giải là vinh dự lớn nhất mà lịch sử có thể ban cho"[116]—một cụm từ mà sau này được khắc trên bia mộ của ông.[117] Ông nói về việc đưa chính trị đảng phái sang một thời đại mới đoàn kết, rằng Hoa Kỳ trải qua một cơn sốt ngôn từ trong những năm qua, rằng cần ngừng la hét mà hãy nói chuyện yên lặng đủ để hiểu nhau.[118]

Chính sách đối ngoại

Trung Quốc

Nixon đặt cơ sở cho cuộc đàm phán của ông với Trung Quốc ngay từ trước khi trở thành tổng thống, ông viết trên tạp chí Foreign Affairs (sự vụ ngoại giao) một năm trước cuộc bầu cử của mình rằng không thể để một tỷ người sinh hoạt trong sự cô lập phẫn nộ.[119] Giúp đỡ ông trong hành động mạo hiểm này là Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao tương lai Henry Kissinger, Tổng thống làm việc gần gũi với người này, bỏ qua các quan chức Nội các. Với việc quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc nằm ở một điểm đáy —xung đột biên giới giữa hai quốc gia diễn ra vào năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Nixon—Nixon gửi lời nông bí mật đến Trung Quốc rằng ông mong muốn có quan hệ gần gũi hơn. Một sự đột phá đến vào đầu năm 1971, khi Mao Trạch Đông mời một đội tuyển vận động viên bóng bàn Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc và thi đấu với các vận động viên hàng đầu của Trung Quốc. Nixon đáp lại bằng việc cử Kissinger đến Trung Quốc để bí mật gặp gỡ các quan chức nước này.[119] Ngày 15 tháng 7 năm 1971, chính phủ Trung Quốc và Nixon (trên truyền hình và phát thanh) đồng thời tuyên bố Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thăm Trung Quốc vào tháng hai sắp tới. Tuyên bố khiến thế giới kinh ngạc.[120] Việc giữ bí mật cho phép cả hai ban lãnh đạo có thời gian để chuẩn bị môi trường chính trị trong nước cho việc tiếp xúc.[121].

Đến tháng 2 năm 1972, Nixon và phu nhân công du Trung Quốc, trước đó Kissinger báo cáo vắn tắt với Nixon trong trên 40 giờ để chuẩn bị.[122] Khi đến nơi, Tổng thống và Đệ nhất phu nhân ra khỏi Air Force One và chào Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Nixon bắt tay với Chu Ân Lai, một hành động mà Bộ trưởng Ngoại giao đương thời là John Foster Dulles từ chối thực hiện năm 1954 khi hai người gặp nhau tại Genève.[123] Trên 100 ký giả truyền hình đã tháp tùng ông. Theo chỉ thị của Nixon, truyền hình được ưu tiên cao hơn so với các xuất bản phẩm báo chí, do ông cảm thấy rằng phương tiện này sẽ nắm bắt chuyến công du tốt hơn nhiều so với báo chí. Nó cũng trao cho ông cơ hội làm bẽ mặt những ký giả báo chí mà ông khinh thị.[123]

Nixon và Kissinger họp bốn giờ với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tại tư dinh chính thức của Mao Trạch Đông, tại đây họ thảo luận về một loạt vấn đề.[124] Mao Trạch Đông sau đó nói với bác sĩ của mình rằng bị Nixon gây ấn tượng, đánh giá Nixon là người thẳng thắn, không giống với những người cánh tả và Liên Xô.[124] Mao Trạch Đông nói rằng minh nghi ngờ Kissinger,[124] song Cố vấn An ninh Quốc gia gọi cuộc họp của họ là "cuộc chạm trán lịch sử" đối với ông.[123] Một yến tiệc chính thức hoan nghênh phái đoàn tổng thống được tổ chức vào tối hôm đó trong Đại lễ đường Nhân dân. Ngày hôm sau, Nixon họp với Chu Ân Lai; thông cáo chung sau cuộc họp này công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, và trông đợi về một giải pháp hòa bình cho vấn đề tái thống nhất.[125] Ngoài việc tham gia các cuộc họp, Nixon còn tham quan các kỳ quan kiến trúc như Tử Cấm thành, Minh thập tam lăng, và Trường Thành.[123] Thông qua các nhà quay phim tháp tùng Đệ nhất phu nhân Pat Nixon, người Mỹ có cái nhìn sơ bộ đầu tiên về sinh hoạt tại Trung Quốc, Đệ nhất phu nhân tham quan thành phố Bắc Kinh và đến các công xã, trường học, xí nghiệp, và bệnh viện.[123]

Chuyến công du mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ Trung-Mỹ.[107] Do lo ngại về khả năng có một liên minh Trung-Mỹ, Liên Xô nhượng bộ trước áp lực để hòa hoãn với Hoa Kỳ.[126]

Chiến tranh Việt Nam

Bài chi tiết: Chiến tranh Việt Nam

Khi Nixon nhậm chức, có khoảng 300 quân nhân Hoa Kỳ tử chiến mỗi tuần tại Việt Nam, và quần chúng Hoa Kỳ không hoan nghênh cuộc chiến này, với các cuộc kháng nghị bạo lực nhằm phản chiến đang diễn ra. Chính phủ Lyndon Johnson chấp thuận đình chỉ ném bom để đổi lấy các cuộc đàm phán không có điều kiện tiên quyết, song thỏa thuận này không bao giờ có hiệu lực đầy đủ. Theo Walter Isaacson, không lâu sau khi nhậm chức, Nixon kết luận rằng không thể giành chiến thắng trong Chiến tranh Việt Nam và ông quyết định nhanh chóng kết thúc chiến tranh.[127] Ngược lại, Conrad Black cho rằng Nixon thực sự tin tưởng rằng ông có thể đe dọa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng "thuyết Madman".[128] Nixon tìm kiếm một số dàn xếp mà theo đó cho phép lực lượng Hoa Kỳ triệt thoái, trong khi để lại một Việt Nam Cộng hòa vững chắc trước sự tấn công.[129]

Nixon phát biểu trước quốc dân về cuộc xâm nhập Campuchia

Tháng 3 năm 1969, Nixon phê chuẩn một chiến dịch ném bom bí mật các vị trí của các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng minh của họ là Khmer Đỏ tại Campuchia (có hiệu là Chiến dịch Menu),[130] một chính sách bắt đầu dưới thời Johnson.[131] Các hành động này khiến Campuchia bị ném bom nặng nề; số bom ném xuống Campuchia dưới thời Johnson và Nixon còn hơn số lượng bom mà Đồng Minh ném trong Chiến tranh thế giới thứ hai.[131] Đến giữa năm 1969, Nixon bắt đầu các nỗ lực nhằm đàm phán hòa bình với miền Bắc Việt Nam, gửi một thư riêng đến các lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và các cuộc thương lượng hòa bình bắt đầu tại Paris. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng ban đầu không dẫn đến kết quả bằng một hiệp định.[132] Đến tháng 5 năm 1969, ông công khai đề nghị triệt thoái toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ khỏi miền Nam Việt Nam với điều kiện là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng làm như vậy, và để Việt Nam Cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của quốc tế với sự tham dự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.[133]

Đến tháng 7 năm 1969, Nixon công du Việt Nam Cộng hòa, tại đây ông họp với tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc tại Hoa Kỳ diễn ra hoạt động kháng nghị yêu cầu rút quân ngay lập tức ông thi hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh nhằm thay thế các binh sĩ Hoa Kỳ bằng binh sĩ Việt Nam.[107] Nixon nhanh chóng thiết lập giai đoạn để binh sĩ Hoa Kỳ triệt thoái[134] song cho phép các cuộc xâm nhập Lào, một phần là nhằm làm gián đoạn Đường mòn Hồ Chí Minh qua Lào và Campuchia vốn được sử dụng để tiếp đế cho lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nixon công bố cuộc xâm nhập trên bộ vào Campuchia trước công chúng Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4 năm 1970.[135] Một trong những phản ứng của ông trước những người kháng nghị là một cuộc gặp ứng khẩu vào đầu buổi sáng với họ tại Nhà kỉ niệm Lincoln vào ngày 9 tháng 5 năm 1970.[136][137][138] Chiến dịch của Nixon được hứa hẹn sẽ kiềm chế chiến tranh, song tương phản với hành động leo thang ném bom, khiến xuất hiện các bình luận rằng Nixon có một "khủng hoảng tín nhiệm" trong vấn đề.[134]

Năm 1971, những trích dẫn từ "các văn kiện Lầu Năm Góc" viết về lịch sử dính líu của Hoa Kỳ tại Việt Nam bị The New York TimesThe Washington Post công bố. Khi tin tức bị lộ đầu tiên xuất hiện, Nixon định không làm gì. Mặc dù các văn kiện chủ yếu liên quan đến những dối trá của chính phủ trước và chỉ có một vài tiết lộ thực, song Kissinger sau đó thuyết phục Nixon rằng các văn kiện này nếu xuất hiện sẽ có hại nhiều hơn, và Nixon đã cố gắng ngăn cản việc công bố. Tối cao pháp viện Hoa Kỳ cuối cùng ra phán quyết ủng hộ báo chí.[139]

Trong khi các binh sĩ Hoa Kỳ tiếp tục triệt thoái, chế độ nghĩa vụ quân sự được giảm bớt và đến năm 1973 thì chấm dứt; binh sĩ Hoa Kỳ hoàn toàn là những người tình nguyện tòng quân.[140] Sau nhiều năm giao chiến, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết vào đầu năm 1973. Hiệp định quy định về đình chiến và để cho cho những binh sĩ Hoa Kỳ còn lại triệt thoái; tuy nhiên, hiệp định không yêu cầu 160.000 lính Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Nam phải triệt thoái.[141]

Trong bản ghi âm được giải mật sau này về cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, Nixon nói rõ việc ông quyết định sẽ bỏ mặc "đứa con" Việt Nam Cộng hòa để có thể thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam[142]

Henry Kissinger: Tôi nghĩ Thiệu nói đúng đấy. Hiệp định đó (Hiệp định Paris) sẽ đẩy Việt Nam Cộng hòa vào thế nguy hiểmRichard Nixon: Nó (Việt Nam Cộng hòa) phải tự chống đỡ thôi... Nếu nó chết thì cứ để nó chết. Nó lớn rồi, chúng ta không thể cứ cho nó bú mớm mãi được

Khi hỗ trợ chiến đấu của Hoa Kỳ kết thúc, các bên chỉ có một giai đoạn đình chiến ngắn ngủi, sau đó giao tranh tái diễn song lúc này quân đội Hoa Kỳ đã không còn tham chiến. Quân đội Nhân dân Việt Nam liên tiếp giành thắng lợi và Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975.[143]

Mỹ Latinh

Nixon và Tổng thống Mexico Gustavo Díaz Ordaz đi trên một đoàn xe hộ tống tại San Diego, California, tháng 9 năm 1970.

Nixon từng là một người ủng hộ mạnh mẽ đối với Kennedy trong sự kiện xâm nhập vịnh con Lợn năm 1961 và khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962; đến khi nhậm chức ông tăng cường các chiến dịch bí mật nhằm chống Cuba và Chủ tịch nước này là Fidel Castro. Thông qua bạn của mình là Bebe Rebozo, Nixon duy trì các quan hệ thân cận với cộng đồng người Cuba lưu vong tại Mỹ, họ thường đề xuất các phương pháp đối phó với Castro. Những hành động này khiến người Liên Xô và người Cuba lo ngại, họ lo rằng Nixon có thể tấn công Cuba và phá vỡ sự thỏa thuận giữa Kennedy và Khrushchev vốn giúp chấm dứt khủng hoảng tên lửa. Đến tháng 8 năm 1970, Liên Xô đề nghị Nixon tái xác nhận thỏa thuận; Nixon chấp thuận dẫu cho ông có đường lối cứng rắn với Fidel Castro. Quá trình thực thi thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thành do Liên Xô bắt đầu mở rộng căn cứ của họ tại cảng Cienfuegos của Cuba vào tháng 10 năm 1970. Sau đó xảy ra một cuộc đối kháng quy mô nhỏ, kết thúc bằng một thỏa thuận mà theo đó Liên Xô sẽ không sử dụng Cienfuegos cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Trao đổi công hàm ngoại giao cuối cùng nhằm tái xác nhận thỏa thuận năm 1962 được tiến hành trong tháng 11 năm đó.[144]

Việc ứng cử viên Marxist Salvador Allende tham gia tranh cử Tổng thống Chile vào tháng 9 năm 1970 thúc đẩy Nixon và Kissinger theo đuổi một chiến dịch mạnh mẽ nhằm bí mật chống Allende,[145]:25 đầu tiên là thuyết phục cho Quốc hội Chile xác nhận Jorge Alessandri là người chiến thắng trong bầu cử và sau đó đưa tin cho các sĩ quan quân đội về việc Hoa Kỳ ủng hộ một cuộc đảo chính.[145] Các hỗ trợ khác bao gồm cả các cuộc đình công có tổ chức nhằm chống Allende và tài trợ cho các đối thủ của Allende. Thậm chí có thông tin rằng đích thân Nixon cho phép cung cấp tài trợ bí mật để in các thông điệp chống Allende trên một báo nổi tiếng của Chile.[145]:93 Sau một giai đoạn bất ổn xã hội, chính trị, và kinh tế kéo dài, Tướng Augusto Pinochet lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính bạo lực vào tháng 9 năm 1973; Allende tự sát.[146]

Liên Xô

Nixon tận dụng môi trường quốc tế được cải thiện để xử lý chủ đề hòa bình hạt nhân. Sau khi công bố về chuyến công du của ông đến Trung Quốc, chính quyền Nixon hoàn tất các dàn xếp để ông công du Liên Xô. Tổng thống và Đệ nhất phu nhân đến Moskva vào ngày 22 tháng 5 năm 1972 và họp với Tổng Bí thư Leonid Brezhnev; Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Alexei Kosygin; và Chủ tịch Nikolai Podgorny, cũng các quan chức hàng đầu khác của Liên Xô.[147]

Nixon họp với Brezhnev trong chuyến công du của lãnh đạo Liên Xô đến Hoa Kỳ vào năm 1973.

Nixon đã tiến hành các đàm phán căng thẳng với Brezhnev.[147] Hội nghị thượng đỉnh đã có kết quả là những hiệp định nhằm tăng cường mậu dịch và hai hiệp ước kiểm soát vũ khí giới hạn: SALT I, hiệp ước hạn chế toàn diện đầu tiên giữa hai siêu cường,[107]Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, mà theo đó cấm phát triển các hệ thống được thiết kế nhằm đánh chặn tên lửa. Nixon và Brezhnev tuyên bố một kỷ nguyên mới "cùng tồn tại hòa bình". Một quốc yến được tổ chức vào tối hôm đó tại điện Kremlin.[147]

Nhằm thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Xô giảm bớt ủng hộ về ngoại giao của họ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khuyên chính phủ này đạt các thỏa thuận về quân sự.[148][149][150] Nixon sau đó thuật lại rằng ông tin Liên Xô và Trung Quốc có vai trò không thể thiếu trong các sáng kiến hòa bình tại Việt Nam. Ít nhất thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ cảm thấy bớt tự tin khi Hoa Kỳ có giao thiệp với Liên Xô và Trung Quốc. Còn khả quan nhất là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chịu áp lực từ hai cường quốc cộng sản nên phải đàm phán về một dàn xếp mà Hoa Kỳ có thể chấp thuận.[151]

Nhằm tạo tiến triển đáng kể so với hai năm trước trong quan hệ Mỹ-Xô, Nixon thực hiện chuyến đi thứ nhì đến Liên Xô vào năm 1974.[152] Ông đến Moskva vào ngày 27 tháng 6 và nhận được một nghi lễ hoan nghênh, quần chúng hoan hô, và tham gia một quốc yến tại điện Đại Kremlin vào tối hôm đó.[152] Nixon và Brezhnev họp tại Yalta, thảo luận về một hiệp ước phòng thủ chung được đề xuất, hòa hoãn, và các tên lửa đạn đạo đa đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV). Trong khi cân nhắc đề nghị một hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, Nixon thấy rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông không còn đủ để hoàn thành nó.[152] Không có đột phá nào đáng kể trong các cuộc đàm phán này.[152]

Trung Đông

Nixon họp với Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vào tháng 6 năm 1974.

Theo Học thuyết Nixon, trong việc viện trợ đồng minh, Hoa Kỳ sẽ tránh chiến đấu trực tiếp khi có thể, thay vào đó là giúp đỡ để họ tự vệ, Hoa Kỳ tăng mạnh việc bán vũ khí cho Trung Đông—đặc biệt là Israel, IranẢ Rập Saudi—dưới thời chính phủ Nixon.[153] Chính phủ Nixon ủng hộ mạnh mẽ đồng minh Israel, song sự ủng hộ này không phải là vô điều kiện. Nixon cho rằng Israel nên kiến tạo hòa bình với các láng giềng Ả Rập và Hoa Kỳ nên khuyến khích việc này. Ông cho rằng ngoại trừ trong Khủng hoảng Suez thì Hoa Kỳ thất bại trong việc can thiệp với Israel, và nên sử dụng đòn bẩy là viện trợ quân sự lớn của Hoa Kỳ cho Israel để thúc đẩy các bên đến bàn đàm phán. Tuy nhiên, xung đột Ả Rập-Israel không phải là một tiêu điểm chú ý của Nixon trong nhiệm kỳ đầu của ông, một nguyên nhân là vì ông cho rằng người Do Thái sẽ phản đối ông tái tranh cử bất kể ông làm điều gì.[lower-alpha 1]

Ngày 6 tháng 10 năm 1973, Chiến tranh Yom Kippur bùng nổ khi một liên minh Ả Rập do Ai Cập và Syria dẫn đầu tấn công Israel, Israel chịu tổn thất nặng nề. Hoa Kỳ không có hành động gì trong những ngày đầu tiên, song sau đó Nixon hạ lệnh tiến hành không vận nhằm bù đắp cho những tổn thất của Israel, phớt là các tranh cãi nội bộ và chịu trách nhiệm cá nhân đối với bất kỳ phản ứng nào của các quốc gia Ả Rập. Đến khi Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận đình chiến, Israel đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. Cuộc chiến dẫn đến khủng hoảng dầu mỏ, trong đó các quốc gia Ả Rập từ chối bán dầu thô cho Hoa Kỳ nhằm trả đũa việc Hoa Kỳ ủng hộ Israel.[154] Lệnh cấm vận gây ra tình trạng thiếu hụt kéo theo chế độ phân phối xăng dầu tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1973, và kết thúc khi Trung Đông đạt được hòa bình.[155] Một trong những chuyến công du quốc tế cuối cùng của Nixon trên cương vị tổng thống là đến Trung Đông vào tháng 6 năm 1974, ông trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên công du Israel.[156]

Chính sách đối nội

Kinh tế

Thời điểm Nixon nhậm chức năm 1969, lạm phát tại Hoa Kỳ là 4,7 %—mức cao nhất kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Chính sách "Great Society" được ban hành dưới thời Johnson, cùng với phí tổn cho Chiến tranh Việt Nam, khiến cho ngân sách thâm hụt lớn. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, song lãi suất ở mức cao nhất trong một thế kỷ.[157] Mục tiêu kinh tế chính của Nixon là giảm lạm phát; phương pháp hiển nhiên nhất là kết thúc chiến tranh.[157] Điều này không thể nhanh chóng hoàn thành, và kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục vật lộn qua năm 1970, góp phần khiến cho Đảng Cộng hòa nhận kết quả kém trong bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ (Đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội).[158]

Quan tâm của Nixon thiên nhiều về những sự vụ đối ngoại thay vì các chính sách đối nội, song ông cho rằng cử tri có khuynh hướng tập trung vào tình trạng tài chính của bản thân họ, và rằng tình trạng kinh tế là một mối đe dọa cho việc ông tái đắc cử. Ông có quan điểm về "chế độ liên bang mới", đề nghị nhượng bớt quyền lực cho các bang, song những đề xuất này phần lớn bị bỏ đi trong quá trình dự thảo ngân sách tại quốc hội. Tuy nhiên, Nixon giành được uy tín chính trị do tán thành những việc này.[158] Năm 1970, Quốc hội do Đảng Dân chủ chiếm đa số trao cho Tổng thống quyền áp đặt hạn định lương và giá, họ biết Nixon phản đối những kiểm soát như vậy trong quá trình hoạt động của ông, và không cho rằng Nixon sẽ thực sự sử dụng quyền này.[159] Do lạm phát chưa được giải quyết cho đến tháng 8 năm 1971, và một năm bầu cử lại đang đến gần, Nixon triệu tập một hội nghị thượng đỉnh gồm các cố vấn kinh tế của ông tại trại David. Sau đó, ông tuyên bố tạm thời kiểm soát lương và giá, cho phép thả nổi đô la với các tiền tệ khác, và kết thúc khả năng hoán đổi đô la thành vàng.[160] Các chính sách của Nixon khiến lạm phát suy giảm cho đến năm 1972, song di chứng của chúng góp phần vào lạm phát trong nhiệm kỳ thứ hai của ông và thời chính phủ Gerald Ford.[160]

Sau khi tái đắc cử, Nixon nhận thấy lạm phát tăng trở lại.[161] Ông tái áp dụng kiểm soát giá vào tháng 6 năm 1973. Kiểm soát giá trở thành điều không được quần chúng và thương nhân hoan nghênh, họ cho rằng các liên đoàn lao động hùng mạnh là thể chế thích hợp hơn ban định giá của chính quyền.[161] Sự kiểm soát gây ra tình trạng thiếu lương thực, do thịt biến mất khỏi các cửa hàng tạp hóa và các nông dân thà giết gà chứ không bán chúng với giá thua lỗ.[161] Mặc dù thất bại trong việc kiểm soát lạm phát, ongg các kiểm soát chấm dứt một cách chậm chạp, và đến ngày 30 tháng 4 năm 1974, ủy quyền theo luận định của chúng hết hiệu lực.[161]

Sáng kiến và tổ chức của chính phủ

Nixon chủ trương một "chủ nghĩa liên bang mới", theo đó phân quyền cho các ban và các quan chức đắc cử tại địa phương, song Quốc hội chống đối các ý tưởng này và chỉ ban hành một vài trong số đó.[162] Ông giải trừ Bộ Bưu điện Hoa Kỳ thuộc nội các liên bang, đến năm 1971 thể chế này trở thành Dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ do chính phủ vận hành.[163]

Chính sách môi trường không phải là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử năm 1968; các ứng cử viên hiếm khi được hỏi về quan điểm của họ trong chủ đề này. Nixon nhận thấy rằng Ngày Trái Đất đầu tiên vào tháng 4 năm 1970 báo trước một làn sóng cử tri quan tâm về vấn đề, và tìm cách lợi dụng nó; trong tháng 6 ông tuyên bố việc Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (EPA) thành lập. Nixon tạo đột phá mới khi nói đến chính sách môi trường trong thông điệp liên bang của ông; các sáng kiến khác được Nixon ủng hộ có cả Đạo luật Không khí thanh khiết 1970 và Ủy ban An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA); Đạo luật Chính sách môi trường quốc gia yêu cầu trình bày tác động môi trường đối với nhiều dự án liên bang.[164] Nixon bác bỏ dự luật Nước thanh khiết 1972, nguyên nhân là do ông nhận thấy chi phí tiền bạc dành cho nó là quá mức. Sau khi bị Quốc hội bác sự phủ quyết của mình, Nixon không chi tiêu số tiền mà ông cho là vô lý.[165]

Năm 1971, Nixon đề xuất cải cách bảo hiểm y tế—một bảo hiểm y tế tư nhân mà chủ lao động yêu cầu,[lower-alpha 2] liên bang hóa Medicaid đối với những gia đình nghèo khó có người vị thành niên cần nuôi dưỡng,[166] và hỗ trợ cho các tổ chức bảo vệ sức khỏe (HMOs).[167] Một dự luật HMO có giới hạn được thông qua vào năm 1973.[167] Năm 1974, Nixon đề xuất cải cách bảo hiểm y tế toàn diện hơn—một bảo hiểm y tế tư nhân mà chủ lao động yêu cầu[lower-alpha 2] và thay thế Medicaid bằng các kế hoạch bảo hiểm y tế quốc doanh cho toàn bộ nhân dân, với tiền đóng phí bảo hiệm dựa trên thu nhập, và chia sẻ chi phí.[168] Lo ngại về sự phổ biến của việc sử dụng ma túy cả ở quốc nội và trong các binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Nixon khởi động một Chiến tranh chống ma túy, cam kết cắt đứt nguồn cung ma túy từ bên ngoài, và tăng kinh phí cho giáo dục và cho các cơ sở cải tạo.[169]

Dân quyền

Trong những năm Nixon tại vị, diễn ra tích phân chủng tộc quy mô lớn lần đầu tiên trong các trường công tại miền Nam.[170] Nixon tím kiếm một trung đạo giữa những người kỳ thị chủng tộc do George Wallace dẫn đầu và những người Dân chủ tự do, việc Đảng Dân chủ ủng hộ tích phân chủng tộc khiến họ chính đảng này một số người Da trắng miền Nam xa lánh.[171] Nhận thấy triển vọng tốt tại miền Nam trong cuộc bầu cử năm 1972, từ trước đó ông tìm cách loại bỏ tính chính trị của việc phế bỏ kỳ thị chủng tộc. Không lâu sau khi nhậm chức, ông bổ nhiệm Phó Tổng thống Spiro Agnew lãnh đạo một tổ chuyên biệt đi làm việc với các thủ lĩnh địa phương—cả da trắng và da đen—nhằm xác định cách thức để tích phân chủng tộc các trường học địa phương. Spiro Agnew ít quan tâm đến công việc này, và hầu hết chúng do Bộ trưởng Lao động George Shultz tiến hành. Vào tháng 9 năm 1970, dưới 10% học sinh da đen theo học tại các trường bị cô lập. Tuy nhiên, đến năm 1971, căng thẳng về phế bỏ kì thị chủng tộc trong nhà trường nổi lên tại các thành phố miền Bắc, với các cuộc biểu tình giận dữ đối với việc vận chuyển học sinh bằng xe buýt đến trường ngoài khu phố của chúng để đạt cân bằng chủng tộc. Nixon phản đối vận chuyển này với tư cách cá nhân song thi hành lệnh của tòa án yêu cầu áp dụng chúng.[172]

Ngoài việc phế bỏ kì thị chủng tộc trong các trường công, Nixon thi hành Kế hoạch Philadelphia vào năm 1970—chương trình hành động bình quyền cấp liên bang đáng kể đầu tiên.[173] Ông cũng tán thành Tu chính án bình quyền sau khi nó được lưỡng viện quốc hội thông qua vào năm 1972 và đưa đến các bang để phê chuẩn.[174] Nixon tham gia vận động trong vị thế một người ủng hộ tu chính án vào năm 1968, song một số nhà nữ quyền chỉ trích ông ít có hành động đề giúp đỡ ERA hoặc các vụ tố tụng của họ sau khi ông đắc cử. Tuy vậy, ông bổ nhiệm nhiều nữ giới vào các vị trí trong chính phủ hơn so với thời Lyndon Johnson.[175]

Không gian

Nixon thăm các phi hành gia Apollo 11 năm 1969.

Tháng 7 năm 1969, Apollo 11 được phóng, Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc đua để phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng sau một nỗ lực quốc gia kéo dài gần một thập niên. Nixon nói chuyện với Neil ArmstrongBuzz Aldrin khi họ đi trên Mặt Trăng. Ông gọi cuộc đối thoại là "cuộc điện thoại mang tính lịch sử lớn nhất từng được tiến hành từ Nhà Trắng".[176] Tuy nhiên, Nixon không muốn duy trì tài trợ cho NASA ở mức cao như trong suốt thập niên 1960 khi NASA chuẩn bị đưa người lên Mặt Trăng. Quản trị viên NASA Thomas O. Paine phác thảo một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thiết lập một căn cứ thường trực trên Mặt Trăng vào cuối thập niên 1970 và thực hiện một hành trình có người lên sao Hỏa sớm nhất là vào năm 1981. Tuy nhiên, Nixon bác bỏ cả hai đề xuất.[177]

Nixon cũng hủy bỏ chương trình Phòng thí nghiệm quỹ đạo có người của Không quân Hoa Kỳ vào năm 1969, do các vệ tinh gián điệp không người lái được chứng minh là có hiệu quả hơn về chi phí để hoàn thành mục tiêu do thám tương tự.[178]

Tháng 5 năm 1972, Nixon chấp thuận một chương trình hợp tác kéo dài 5 năm giữa NASA và chương trình không gian Liên Xô, với cực điểm là sứ mệnh chung của một tàu vũ trụ Apollo và Soyuz liên kết trong không gian vào năm 1975.[179]

Tái cử, bê bối Watergate, từ chức

Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1972

Richard Nixon tin rằng việc ông lên nắm quyền đạt đỉnh tại một thời điểm tái tổ chức chính trị. "Miền Nam chắc công" của Đảng Dân chủ từ lâu là nguyên nhân khiến các tham vọng của Đảng Cộng hòa bị thất bại. Barry Goldwater giành chiến thắng tại một vài bang miền Nam do phản đối Đạo luật Dân quyền 1964, song bị những người miền Nam ôn hòa hơn xa lánh. Các nỗ lực của Richard Nixon nhằm giành sự ủng hộ của miền Nam vào năm 1968 bị ảnh hưởng do ứng cử viên ủng hộ kỳ thị chủng tộc George Wallace cũng tham gia. Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Richard Nixon theo đuổi một chiến lược miền Nam bằng các chính sách, như các chính sách phế bỏ kì thị chủng tộc của ông, được người Da trắng miền Nam chấp thuận rộng rãi, khuyến khích họ tái tập hợp bên Đảng Cộng hòa sau thời đại Dân quyền. Ông tiến cử hai người bảo thủ miền Nam là Clement Haynsworth và G. Harrold Carswell làm thẩm phán Tối cao Pháp viện, song cả hai đều không được Thượng viện phê chuẩn.[180]

Richard Nixon tiếp xúc với công chúng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1972.

Richard Nixon ghi danh trong cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire vào ngày 5 tháng 1 năm 1972, trên thực tế có nghĩa là công bố ông tái ứng cử chức vụ tổng thống.[181] Gần như chắc chắc được Đảng Cộng hòa đề cử,[182] Tổng thống ban đầu kỳ vọng đối thủ Dân chủ của ông là Thống đốc Massachusetts Ted Kennedy, song người này hầu như bị loại khỏi cuộc đua sau sự kiện Chappaquiddick.[183]

Ngày 10 tháng 6, Thống đốc Nam Dakota George McGovern giành thắng lợi trong bầu cử sơ bộ tại California và đảm bảo quyền được Đảng Dân chủ đề cử.[184] Tháng sau đó, Richard Nixon được tái đề cử trong Đại hội toàn quốc năm 1972 của Đảng Cộng hòa. Ông bác bỏ cương lĩnh chính trị của Đảng Dân chủ khi cho nó là hèn nhát và gây bất hòa.[185] George McGovern có ý định giảm mạnh chi tiêu quốc phòng[186] và ủng hộ ân xá cho những người trốn quân dịch cũng như quyền phá thai. Richard Nixon dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến trong toàn bộ chu trình tranh cử, và tái đắc cử vào ngày 7 tháng 11 năm 1972 với số phiếu dẫn trước thuộc hàng cao nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Ông đáng bại McGovern với trên 60 % số phiếu phổ thông, chỉ thua tại Massachusetts và quận Columbia.[187]

Watergate

Richard Nixon trong một buổi họp báo, 26 tháng 10 năm 1973.
Xem thêm: Vụ Watergate

Thuật ngữ Watergate ám chỉ một loạt những hành động bí mật và thường là phi pháp do các thành viên trong chính phủ Richard Nixon tiến hành. Các hành động này gồm có "những trò bẩn" hay đặt máy ghi âm bí mật trong văn phòng của các đối thủ chính trị và quấy nhiễu các nhóm hoạt động và các nhân vật chính trị. Các hoạt động này bị đưa ra ánh sáng sau khi năm người bị bắt vì đột nhập vào trụ sở của Đảng Dân chủ tại khu phức hợp Watergate thuộc Washington, D.C. vào ngày 17 tháng 6 năm 1972. The Washington Post nắm bắt được tình tiết; các ký giả Carl BernsteinBob Woodward dựa vào một người cung cấp tin được gọi là "Deep Throat"—người đã mạo hiểm mạng sống này là Phó giám đốc FBI Mark Felt—để liên kết những người này với chính phủ Richard Nixon. Richard Nixon xử trí bằng cách cho rằng bê bối chỉ đơn thuần là hoạt động chính trị, gọi các bài báo là thiên kiến và lạc lối. Một loạt những tiết lộ làm sáng tỏ rằng Ủy ban Tái tranh cử của Tổng thống Richard Nixon, và sau đó là Nhà Trắng, có dính líu đến các nỗ lực nhằm phá hoại Đảng Dân chủ. Các trợ lý cao cấp như Cố vấn Nhà Trắng John Dean đối diện với việc bị khởi tố; tổng cộng 48 quan chức bị kết án có tội.[107][188][189]

Trong tháng 7 năm 1973, trợ thủ Nhà Trắng Alexander Butterfield khai tuyên thệ trước Quốc hội rằng Richard Nixon có một hệ thống băng ghi âm bí mật, chúng ghi lại các cuộc đối thoại và điện thoại của ông trong phòng Bầu Dục. Các băng ghi âm này bị Luật sư đặc biệt Watergate Archibald Cox lệnh đưa ra trước tòa; Richard Nixon cung cấp bản chép lại các cuộc đối thoại thay vì băng ghi âm thực, viện dẫn đặc quyền hành pháp. Do Nhà Trắng và Archibald Cox bất hòa, Richard Nixon sa thải Archibald Cox vào tháng 10; người thay thế là Leon Jaworski. Trong tháng 11, các luật sư của Richard Nixon khám phá rằng một đoạn băng ghi âm các cuộc đối thoại trong Nhà Trắng song bị gián đoạn 18½ phút.[189] Thư ký riêng của Tổng thống là Rose Mary Woods tuyên bố chịu trách nhiệm cho sự việc, khẳng định rằng bà vô tình xóa phần đó trong khi sao lại băng, song lời bà khai bị chế nhạo rộng rãi. Phần gián đoạn không chứng minh được rằng Tổng thống phạm tội, song tạo ra nghi ngờ về tuyên bố của Richard Nixon rằng ông không biết việc che giấu.[190]

Mặc dù mất đi nhiều ủng hộ của công chúng, thậm chí là từ đảng của mình, song Richard Nixon bác bỏ các cáo buộc phạm tội và thề tại nhiệm.[189] Ông nhấn mạnh rằng mình đã phạm lỗi, song trước đó không biết về việc trộm thông tin, không phạm phải bất kỳ luật nào, và không được biết về việc che giấu cho đến đầu năm 1973.[191] Ngày 10 tháng 10 năm 1973, Phó Tổng thống Spiro Agnew từ chức —không liên quan đến Watergate— và bị kết án phạm tội hối lộ, trốn thuế, và rửa tiền trong nhiệm kỳ làm Thống đốc Maryland. Richard Nixon chọn lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện là Gerald Ford thay thế Agnew.[192]

Cuộc chiến tư pháp về các băng ghi âm tiếp tục cho đến đầu năm 1974, và đến tháng 4 năm 1974 Richard Nixon tuyên bố phát hành 1.200 bản chép lại các cuộc đối thoại tại Nhà Trắng giữa ông và các trợ thủ. Ủy ban Tư pháp Hạ viện mở phiên điều trần luận tội đối với Tổng thống vào ngày 9 tháng 5 năm 1974, sự kiện được phát trên các mạng lưới truyền hình lớn. Phiên điều trần đạt đỉnh điểm bằng bỏ phiếu luận tội.[191] Ngày 24 tháng 7, Tối cao pháp viện ra phán quyết nhất trí rằng toàn bộ các băng ghi âm phải được phát hành, thay vì chỉ các bản chép lại được lựa chọn.[193]

Ủng hộ dành cho Richard Nixon giảm đi khi tiếp tục có một loạt tiết lộ mới, song Richard Nixon hy vọng có thể đấu tranh với các cáo buộc. Tuy nhiên, một trong các băng ghi âm mới, được ghi ngay sau cuộc đột nhập, biểu thị rằng Richard Nixon đã thuật lại liên lạc của Nhà Trắng với những người đột nhập Watergate ngay sau khi chúng xảy ra, và đã chấp thuận các kế hoạch nhằm cản trở điều tra. Trong một phát biểu cùng với việc phát hành "Smoking Gun Tape" vào ngày 5 tháng 8 năm 1974, Richard Nixon thừa nhận trách nhiệm về việc lừa dối quốc dân trong khi ông đã được kể về dính líu của Nhà Trắng, nói rằng ông có một lầm lẫn về trí nhớ.[194] Ông họp cùng các lãnh đạo trong Quốc hội của Đảng Cộng hòa ngay sau đó, và được bảo rằng ông chắc công phải đối diện với luận tội trong Quốc hội, và nhiều nhất sẽ chỉ nhận được 15 phiếu ủng hộ trong Thượng viện— ít hơn nhiều con số 34 phiếu để tránh bị bãi chức.[195]

Từ nhiệm

Bài phát biểu từ nhiệm của Tổng thống Richard Nixon, đọc ngày 8 tháng 8 năm 1974.

Trục trặc khi nghe tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn.

Trong tình hình bị mất ủng hộ chính trị và gần như chắc chắn bị luận tội, Richard Nixon từ nhiệm tổng thống vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, sau khi nói chuyện với quốc dân trên truyền hình vào buổi tối hôm trước.[191] Bài phát biểu từ nhiệm được đọc từ phòng Bầu dục và được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình. Richard Nixon nói rằng ông từ nhiệm vì lợi ích của quốc gia và thỉnh cầu quốc dân ủng hộ tân tổng thống là Gerald Ford. Richard Nixon hồi tưởng các thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại.[196]

Bài phát biểu của Richard Nixon ban đầu nhận được phản ứng nhìn chung là thuận lợi từ các nhà bình luận hệ thống, chỉ có Roger Mudd của hãng CBS nói rằng Richard Nixon không nhận tội.[197] Một trong những người viết tiểu sử của Richard Nixon là Conrad Black gọi đó là "một kiệt tác". Conrad Black cho rằng Richard Nixon đã tránh khỏi điều được dự kiến là việc bẽ mặt chưa từng thấy đối với một tổng thống Hoa Kỳ.[198]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Richard_Nixon //nla.gov.au/anbd.aut-an35388842 http://www.csmonitor.com/USA/DC-Decoder/Decoder-Wi... http://books.google.com/?id=PAEwuLjQm4gC http://books.google.com/?id=TP4g-RhUJmcC http://books.google.com/?id=Uw8_HAAACAAJ http://books.google.com/?id=mtya18oC2EMC&pg=PA165&... http://books.google.com/?id=r2qRyBmB15EC&pg=PA180&... http://books.google.com/?id=xahIAOPX8JwC http://books.google.com/?id=xahIAOPX8JwC&lpg=PA205... http://books.google.com/books?id=Q1V3AAAAMAAJ&dq